[Luật Đông Á] Để có hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp FDI vào thị trường Việt Nam. Luật Đầu tư 2014 đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo một sân chơi pháp lý lành mạnh để doanh nghiệp ổn định và phát triển.
Luật Đầu tư 2014 được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 26/11/2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp.
+ Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn so với Luật Đầu tư 2005:
Theo Điều 37, Luật Đầu tư 2014, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư là năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư; còn đối với các dự án khác là 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận đủ hồ sơ. Điều 40, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận đủ hồ sơ. + Phạm vi áp dụng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp FDI:
Hiện nay, tất cả các dự án đầu tư có vốn nước ngoài (dù chỉ là 1% vốn điều lệ) cũng cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư. Trong nỗ lực khuyến khích đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư 2014 chỉ còn yêu cầu nhà đầu tư xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án của nhà đầu tư nước ngoài (tức là người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam) và dự án của doanh nghiệp FDI mà trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% hoặc có nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI nắm giữ từ 51% vốn điều lệ.
Các dự án có vốn FDI còn lại (có nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp FDI nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ) thì sẽ được đối xử như dự án đầu tư trong nước và không cần phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. + Luật Đầu tư 2014 chỉ điểu chỉnh dự án đầu tư:
Luật Đầu tư 2014 đã tách nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp ra khỏi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hiện nay là giấy chứng nhận đầu tư), chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư, còn việc thành lập doanh nghiệp sẽ do Luật Doanh nghiệp điều chỉnh. Do vậy, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giờ đây chỉ ghi nhận thông tin về dự án đầu tư. + Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư:
Đối với các dự án lớn theo Điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư 2014 như nhà máy điện hạt nhân, chuyển mục đích vườn quốc gia… dự án sẽ phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh. Luật Đầu tư 2014 đã thừa nhận chính thức thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư – hiện nay chỉ áp dụng không chính thức đối với một số dự án. + Tạo điều kiện thuận lợi cho Dự án đầu tư trong nước:
Luật Đầu tư 2014, dự án của nhà đầu tư trong nước sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và doanh nghiệp chỉ cần hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là đủ.
Tuy đã khắc phục được những bất cập trong Luật Đầu tư 2005, Luật Đầu tư 2014 vẫn có những hạn chế nhất định chưa khắc phục được. Điều này cho thấy, cần trải qua thực tế khi Luật Đầu tư 2014 sẽ khắc phục được những lỗ hổng của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có được môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi.